Đào tạo lái xe

Đào tạo lái xe

Làm thế nào chạy xe máy an toàn trong đêm?

Làm thế nào chạy xe máy an toàn trong đêm?

Hệ thống đèn làm việc tốt, quần áo phản quang và giữ đầu óc tỉnh táo là những yếu tố cần thiết nếu chạy xe máy trong đêm.
Chạy xe ban đêm với điều kiện ánh sáng yếu tiềm tàng hai mối nguy hiểm đó là khó nhìn thấy và khó được nhìn thấy. Để tránh rủi ro, cần có hệ thống đèn có sức chiếu tốt, quần áo tương phản màu sắc và thậm chí dán thêm những miếng phản quang vào người và xe.
Quần áo sáng màu giúp người chạy xe máy dễ được nhận biết vào ban ngày, nhưng sau khi mặt trời lặn thì lại không phát huy được tác dụng. Giải pháp tốt nhất là mặc những bộ quần áo có phản quang, hoặc tự tạo bằng cách dính băng phản quang lên quần áo, ba lô hay lên thân xe. Ngoài các đèn chiều sáng, hãy chắc chắn đèn phanh không có vấn đề, nên phanh sớm hơn so với ban ngày làm tín hiệu cảnh báo cho xe chạy phía sau.
tip132-night-rider-590x393-9398-13942476
Đèn pha phải đảm bảo luôn ở trong tình trạng hoạt động tốt, có thể nâng cấp lên bóng sáng hơn nếu không ảnh hưởng đến hệ thống điện của xe và không vi phạm các quy định về giao thông. Đồng thời có thể lắp thêm đèn sương mù nếu thường xuyên di chuyển trong những vùng thời tiết nhiều sương mù.
Chạy xe trong đêm ở ngoại thành, vùng quê hay miền núi cũng cần lưu ý những bất ngờ như động vật, địa hình xấu bất ngờ. Tận dụng ánh đèn của những xe to để chiếu sáng hoặc làm tín hiệu dẫn đường nếu chưa thông thạo đường. Bám cọc tiêu và vạch kẻ đường, đi tốc độ chậm để đảm bảo không xảy ra tình huống bất ngờ.
Một điểm lưu ý khi chạy xe trong đêm là sử dụng linh hoạt các chế độ chiếu gần và chiếu xa. Khi đường vắng sử dụng chiếu xa, khi gặp xe đi ngược chiều chuyển sang chiếu gần để tránh chói mắt xe đối diện. Vào khu vực nhiều sương mù, nhiều mây cũng chuyển sang chế độ chiếu gần để nhìn rõ đường. Khi di chuyển theo nhóm, tránh để đèn pha rọi thẳng vào gương chiếu hậu làm chói mắt xe đi phía trước.
Chạy xe nhiều giờ trong đêm nên nghỉ giữa chặng nhiều hơn ban ngày, bởi lẽ việc tập trung cao độ thị lực vào ban đêm dễ gây tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ. Tuyệt đối không cố đi tiếp nếu thấy không còn đủ tỉnh táo. Khi dừng đỗ tạm thời dọc đường cần bật đèn xi-nhan để cảnh báo cho các xe khác.
Đức Huy

Những kinh nghiệm lái xe an toàn

Đã có nhiều kinh nghiệm giúp các tài xế để xử lý các trường hợp cơ bản thường xảy ra, chuyên mục kỳ này xin giới thiệu với bạn đọc một số kinh nghiệm lái xe băng qua đường ray, cách sử dụng đèn xi nhan…
An toan lai xe
Băng qua đường ray
Đang “bon bon” trên đường quê mát mẻ, bạn nhận thấy bảng báo hiệu có đường ray xe lửa phía trước nhưng không có rào chắn hay đèn báo hiệu là tàu sắp đi qua. Nên làm gì đây?
Hãy dừng lại, quan sát và lắng nghe. Theo quy định, bạn phải giảm tốc độ hoặc dừng xe nếu cần thiết khi sắp băng qua các đường rày. Tàu hỏa luôn có quyền ưu tiên và phải mất một khoảng cách lớn để nó có thể dừng lại được.
Do vậy đừng bao giờ thử chạy đua thời gian với một đoàn tàu khi băng qua đường ray bởi vì rất khó dự đoán chính xác tốc độ thực của nó.
Bám đuôi quá gần
Bạn đang di chuyển trên một con đường hai chiều đông đúc. Khi tiến gần đến một giao lộ, một chiếc xe bên làn đường đối diện đột ngột rẽ trái không báo trước khiến cho chiếc xe đi trước bạn phải đạp phanh bất ngờ. Bạn cũng đạp phanh gấp nhưng đã quá trễ, đuôi xe phía trước đã bẹp dúm. Vậy chúng ta có thể làm gì để tránh tình huống này?
Hãy giữ khoảng cách với xe phía trước đủ lớn để bạn có thể dừng lại an toàn trong trường hợp phải phanh gấp. Trong điều kiện tầm nhìn tốt, mặt đường khô thoáng và có một lối rẽ an toàn thay thế, bạn hãy giữ khoảng cách với xe phía trước trong khoảng thời gian tốt nhất là 3 giây.
Bạn có thể tính toán đo lường khoảng cách 3 giây như sau: Chọn một vật phía trước, ví dụ cây cột đèn bên đường; Khi đuôi xe phía trước vừa vượt qua cột đèn đó thì bạn bắt đầu đếm tới 3; Nếu mũi xe bạn vượt qua cái cột đèn trước khi bạn đếm tới 3 nghĩa là bạn đang bám theo quá gần.
Xe máy: Di chuyển trên đường cao tốc với tốc độ cao, các tài xế thường khó nhận ra các xe gắn máy đang di chuyển, dẫn đến các vụ tai nạn thảm khốc. Do đó bạn hãy nhớ chia sẻ đường đi với các xe khác, và đặc biệt chú ý đến các xe máy lưu thông trên đường. Nếu bạn đang đi phía sau một chiếc xe máy, hãy giữ khoảng cách thích hợp, tốt nhất là 3 giây trong điều kiện mặt đường khô ráo.
Túi khí
Túi khí, dây an toàn sẽ phát huy tác dụng trong các trường hợp va chạm trực diện hoặc gần trực diện. Khi được sử dụng kết hợp với các dây đai an toàn, túi khí sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong do các vụ tại nạn gây ra.
Túi khí không nổ khi xe bạn bị đâm từ phía sau hay bên hông, hoặc khi bạn tính toán sai khoảng cách dừng và đâm vào một xe đang đậu ở tốc độ 16 – 24 km/h.
Hãy nhớ rằng việc đeo dây an toàn rất quan trọng, thậm chí nếu xe bạn đã được trang bị thêm túi khí. Đai an toàn sẽ mang lại sự bảo vệ tối đa trong tất cả trường hợp va chạm chứ không riêng gì những vụ va chạm trực diện.
Sử dụng đèn xi nhan
Luôn luôn sử dụng đèn xi nhan khi muốn chuyển làn đường, thậm chí nếu bạn đang ở trên làn đường chỉ được phép rẽ phải, bạn cũng phải nhá xi nhan.
Khi sử dụng đèn xi nhan để chuyển làn đường, mọi người sẽ hiểu được ý định của bạn, bao gồm các tài xế xe hơi, xe máy và cả khách bộ hành. Thêm vào đó, khi làm thế bạn đã thể hiện mình là người luôn tuân thủ luật giao thông và có thể tránh được những vé phạt của cảnh sát. Bạn nên nháy đèn trước khoảng 20 -30 mét trước khi chuyển hướng.
Lai xe an toan 1
Nhận ra nguy hiểm
Những đứa trẻ đang đùa nghịch bên vệ đường, những chiếc xe băng qua đường, một ai đó đang bước ra khỏi xe, động vật hai bên đường… tất cả đều có thể tiềm ẩn nguy cơ của một tại nạn xảy ra với bất cứ tài xế nào lơ đễnh, thiếu quan sát.
Do vậy hãy luôn quan sát đường đi phía trước bên trái cũng như bên phải để có một cái nhìn bao quát ít nhất là 12 giây về phía trước. Chuẩn bị sẵn các tình huống có thể xảy ra sẽ giúp bạn có đủ thời gian và khoảng cách để đưa ra các quyết định đúng đắn và kiểm soát được tốc độ xe.
Khi di chuyển ở tốc độ càng cao, mắt bạn càng tập trung nhiều hơn vào những vật thể ngay trước mắt mà quên đi những thứ ở hai bên nên nguy cơ xảy ra tai nạn là rất lớn. Do đó hãy cố gắng quan sát, bao quát đường đi phía trước trong khi lái xe.
Va chạm trực diện
Bạn đang lái xe trên một con đường 2 chiều ở tốc độ 55 mph (88 kph). Ở đằng xa, bạn nhìn thấy một chiếc xe chạy ngược chiều ở tốc độ cao đang lấn sang làn đường của bạn. Bạn hoảng hốt bấm còi nhưng chiếc xe kia vẫn lao đến. Có thể tài xế đang ngủ gật hoặc say rượu.
Để tránh một tại nạn trực diện có thể xảy ra bạn hãy di chuyển về bên phải. Nếu bạn chuyển sang bên trái thì tai nạn bạn đang cố tránh vẫn có thể xảy ra bởi vì nếu tài xế chiếc xe kia tỉnh giấc, theo bản năng anh ta có thể đánh lái trở lại làn đường anh ta lẽ ra nên đi.
Giảm tốc độ và mau chóng tách ra khỏi làn đường bạn đang đi. Đánh lái về bên phải càng nhiều càng tốt và nếu cần thiết thì lái ra khỏi làn đường bạn đang chạy.
Đánh xe ra khỏi làn đường đang lưu thông không phải là không nguy hiểm vì bạn có thể bị thương tích khi va chạm với các vật thể bên đường. Tuy nhiên, nó vẫn tốt hơn là đấu đầu trực diện, nếu bạn buộc phải đâm vào một thứ gì đó.
Nguồn: Báo Antoangiaothong

Kỹ thuật quan sát khi lái xe

Kỹ năng quan sát tốt đồng nghĩa tài xế biết phải nhìn như thế nào, nhìn vào đâu và phán đoán diễn biến những mối nguy hiểm.
Việc quan sát gồm: nhìn trước, sang hai bên, và phía sau quá gương, kính cửa và xoay đầu, thân khi cần thiết.
Quan sát trước
Luôn giữ mắt di chuyển khi lái xe. Hướng nhìn trước đủ xa, mắt quét từ bên này sang bên kia đường, phán đoán nguy cơ tiềm ẩn. Liếc nhìn gương để biết điều gì đang xảy ra ở phía sau. Thực hiện các thao tác này đều đặn cách 5 – 8 giây.
Theo nghiên cứu, người mới lái hay nhìn gần nên thường bỏ sót các mối nguy hiểm phía trước. Trang Ibc khuyên nên đẩy mắt nhìn xa tương đương 12 giây di chuyển, khoảng thời gian đủ để tài xế kịp xử lý, trong phố là khoảng 1 hoặc 2 nhà, trên đường cao tốc khoảng 0,5 km.
Việc quan sát hai bên cũng vậy. Lái xe cần nhận biết những gì xảy ra dọc hai bên đường. Nếu thấy một chiếc xe đỗ bên đường, hãy cẩn trọng! Cánh cửa có thể mở hoặc trẻ nhỏ bất ngờ chạy ra.
Quan sát sau
Liên tục nhìn gương với 5 – 8 giây một lần. Dùng gương chiếu hậu trong khi muốn giảm tốc hoặc dừng xe. Luôn đảm bảo xe sau đủ khoảng trống để dừng. Sử dụng gương chiếu hậu ngoài bất cứ khi nào có ý định chuyển vị trí (làn) hoặc đổi hướng. Nhìn gương trái khi xe nhập làn từ bên phải đường để đảm bảo rằng không có xe phía sau lao tới. Quan sát gương phải và chỉ chuyển làn phải khi có đủ khoảng trống an toàn.
Quan sát không gian điểm mù
Dù xe chỉnh gương đúng. Vẫn còn những khu vực rộng mà tài xế không qua sát qua gương: không gian thấp dưới tầm quan sát trước, hai bên sườn, hoặc đuôi xe. Nguy cơ từ nguy hiểm từ không gian điểm mù hai bên sườn là lớn nhất. Kích thước và hình dạng của khu vực mù phụ thuộc vào hình dạng, kích thước xe.
Một số xe trang bị camera lùi hoặc thiết bị cảnh báo đối tượng trong khu không gian điểm mù. Nhưng chúng không thể giúp lái xe phát hiện tất các các mối nguy tiềm ẩn. Vì thế hãy tập thói quen quay đầu để quan sát.
Nhìn qua vai
Khi có ý định chuyển vị trí hoặc đổi hướng. Ví dụ khi rẽ phải, cần nhanh chóng nhìn sang phải để biết chắc không có ai trong khoảng trống trước khi đánh lái. Đừng quên kiểm tra qua gương và nhìn qua vai trước khi mở cửa ra ngoài vì một chiếc xe máy hoặc xe khác có thể tiến sát sườn.
Kỹ thuật quan sát trong một số tình huống
Lùi xe
Nhìn xung quanh (360 độ) bằng cách qua vai, qua gương, kính cửa sau. Tuyệt đối cẩn trọng khi lùi xe ra đường quốc lộ. Quá trình lùi rất dễ bỏ qua sự hiện diện của trẻ nhỏ, vật nuôi, hoặc người đi bộ. Vì vậy, tốt nhất người điều khiển nên xuống xe, kiểm tra xung quanh, định hình cách di chuyển trước khi thực hiện.
Tại giao lộ
Hướng mắt nhìn về phía trước khi đến gần giao lộ. Quan sát thu nhận dấu hiệu, tín hiệu. Phán đoán tình huống để đưa ra quyết định có nên dừng xe hay không. Ở gần giao lộ, nhìn liếc phần đường bạn sẽ đi: bên trái, chính giữa, phải, rồi nhìn lại bên trái. Khi thấy có xe rẽ trái, hãy cẩn trọng vì rất có thể người điều khiển xe này không nhìn thấy bạn.
Theo thống kê, khoảng trên 40% số vụ tai nạn dẫn đến thương nặng hoặc tử vong là ở giao lộ. Xe buýt và xe cỡ lớn là hai trong rất nhiều thứ có thể cản trở tầm nhìn của tại ngã tư.
Dừng và bắt đầu lại
Trước khi giảm tốc hoặc dừng cần nhìn gương chiếu hậu nhận biết khoảng trống cho xe sau. Sau khi quan sát rõ, mới di chuyển xe thật chậm vào giao lộ. Nếu tầm nhìn bị chắn, cần quan sát lại trước khi di chuyển.
Chuyển hướng
Nhìn so vai đảm bảo rằng phạm vi hoạt động không chặn đầu xe khác. Quan sát toàn giao lộ, cho xe tiến dần về phía trước, mắt nhìn theo hướng di chuyển.
Nhận thức về sự nguy hiểm
Lái xe an toàn có nghĩa rằng bạn quan sát bên ngoài và nhận thức về các mỗi nguy hiểm đã, đang và sắp diễn ra. Mối nguy hiểm có thể là bất cứ thứ gì trong môi trường, hoặc chính là các phương tiện khác. Tự học cách phán đoán tình huống thông qua biểu hiện của các đối tượng khác. Suy nghĩ vè nhưng nơi có thể xuất hiện mối nguy hiểm.

Kinh nghiệm chọn thuê xe cưới phù hợp

Với kinh phí vừa phải, các đôi uyên ương nên chọn thuê các loại xe phổ biến như: Toyota, Hyundai, Kia, Deawoo… với giá dao động từ 1-3 triệu đồng trong 4 giờ. Khi cho thuê xe cưới, nhiều công ty trang trí xe hoa miễn phí, vì vậy đây sẽ là mức giá phù hợp.
xe cuoi
Với những cô dâu, chú rể có ngân sách dư dả hơn thì một chiếc xe hạng sang rước dâu là lựa chọn được ưa chuộng. Nhiều đôi uyên ương thích xe cưới mang các thương hiệu nổi tiếng như: Audi, Bentley, BMW, Mercedes, Lexus… Giá thuê mỗi xe khoảng 5 triệu đồng.
Ngoài việc chọn xe theo giá cả, các cô dâu, chú rể chú trọng màu sắc xe. Tông màu xe có thể dựa theo tông trang trí chủ đạo trong đám cưới hoặc sở thích của cô dâu chú rể. Cô dâu lãng mạn thích các loại xe màu trắng, hồng hay đỏ. Cô dâu mong muốn đám cưới sang trọng sẽ thích xe màu đen bóng hay ánh bạc. Màu sắc xe cũng quyết định cách trang trí và các phụ kiện đi kèm.
Hiện nay, có nhiều loại xe để lựa chọn. Có cặp đôi cá tính muốn tự lái xe sẽ thuê xe dành cho 2 người. Ngoài các loại xe kiểu dáng hiện đại, nhiều cô dâu, chú rể muốn quay trở lại phong cách cổ điển với những chiếc xe cổ. Một số khác lại thoải mái với xe mui trần… Đây cũng là giải pháp hợp lý dành cho những cô dâu bị say xe. Tuy nhiên, ôtô mui trần chỉ thích hợp khi 2 nhà ở gần nhau và thời tiết thuận lợi. Ngoài ra, nếu chọn xe hoa mui trần, cô dâu cần trang điểm, làm tóc kỹ lưỡng hơn vì dễ trôi phấn trang điểm hoặc làm hỏng kiểu tóc…
Trước đám cưới khoảng 1 tháng, cô dâu, chú rể nên đi đặt xe cưới để tìm được mẫu xe ưng ý và cửa hàng có sự chuẩn bị, đề phòng lượng khách hàng tăng cao khi vào mùa, không đáp ứng được nhu cầu.
Cô dâu, chú rể cũng nên tìm hiểu kỹ năm sản xuất của xe, không nên chọn những mẫu xe sản xuất lâu, cũ, có thể gặp sự cố bất ngờ trong quá trình sử dụng. Khi đã lựa chọn được xe ưng ý, cô dâu, chú rể cần làm hợp đồng rõ ràng, ghi rõ biển số, kiểu dáng, thông tin xe đã chọn để tránh việc khi thuê và khi nhận xe không giống mẫu nhau.
Nguồn: Báo An Toàn Giao Thông

Kinh nghiệm xử lý kính mờ khi lái xe trời mưa

Theo các chuyên gia, khi đi xe trời mưa, sự mất cân bằng về nhiệt độ giữa trong và ngoài xe sẽ gây hiện tượng mờ dần toàn bộ kính. Do nhiệt độ không khí bên ngoài hạ thấp, nước mưa và gió làm kính xe bị lạnh. Trong cabin xe bị nóng và ẩm do hơi nóng tỏa ra từ người ngồi trong xe và các thiết bị điện tử khiến nhiệt độ trong cabin cao hơn bên ngoài; đồng thời khi ngồi trong xe một thời gian, hơi nước từ trong xe, từ hơi thở của người khiến khoang lái có độ ẩm rất cao. Chính vì lẽ đó, hơi nước trong cabin cao gặp lạnh ở kính xe gây ra hiện tượng ngưng tụ nước, xuất hiện các hạt nước rất nhỏ bám lên kính phía trong xe làm mờ kính.
Xu ly kinh mo xe khi troi mua
Để kính hết mờ, cần làm tan ngưng tụ hơi nước, có thể tham khảo một số cách sau:
1. Hạ kính: Một số lái xe có kinh nghiệm cho biết trong trường hợp điều hòa hỏng hoặc có vè chắn mưa và trời mưa không lớn, lái xe có thể hạ kính mỗi bên khoảng 5-10cm, đồng thời bật quạt gió để lưu thông khí trong và ngoài xe. Tuy nhiên cách này sẽ không áp dụng được diện rộng do nước bên ngoài có thể gây bắn bẩn trong xe, hiện tượng mờ kính không được giải quyết triệt để.
2. Bật quạt gió và lấy gió ngoài: Khi đó cần để luồng gió này tập trung thổi vào kính lái. Cách này cũng không hiệu quả cao nếu xe chở nhiều người.
3. Bật sấy kính: Đây là cách làm hiệu quả nhưng không triệt để. Việc sấy kính sẽ khiến kính hết mờ ngay nhưng thực tế các lái xe thường chỉ bật trong khoảng vài phút khi kính hết mờ, và kết hợp cách thứ 4 là bật điều hòa lạnh
4. Bật điều hòa lạnh: Một số người có suy nghĩ sai lầm là bật điều hòa nóng thì hơi nước sẽ hết nhưng thực tế thao tác đó sẽ khiến kính bị mờ thêm. Giải pháp chính xác là bật điều hòa lạnh để hút hơi ẩm, từ đó kính sẽ hết mờ trong vài phút. Có thể để nhiệt độ cao phù hợp với người ngồi trong xe nhưng nhất thiết phải là chiều lạnh (A/C). Một hiện tượng không hiếm gặp là kính vẫn bị mờ khi bật điều hòa lạnh, tuy nhiên đây là hiện tượng kính mờ bên ngoài do bên trong kính lạnh mà thủ phạm chính là gió lạnh từ các cửa hướng gió điều hòa. Giải pháp đơn giản là không để các hướng gió lạnh hướng vào kính lái và kính hai bên.
Để đảm bảo an toàn, các thao tác trên được thực hiện với cần gạt nước hoạt động liên tục.
Nguồn: Báo An Toàn Giao Thông