Đào tạo lái xe

Đào tạo lái xe

sitemapblog

Rolls-Royce khoe Ghost Majestic Horse tại Bangkok

Hãng xe siêu sang Anh đưa phiên bản năm Giáp Ngọ 2014 đến triển lãm ôtô Thái Lan và kèm giá bán 875.000 USD.


Ghost Majestic Horse ra mắt hồi tháng 11/2013. "Phi Mã" là phiên bản đặc biệt chào đón năm Giáp Ngọ 2014. Qua nghệ thuật khảm thủ công, trên Rolls-Royce Ghost sẽ tái hiện hình ảnh chú ngựa (Ngọ) trên bảng điều khiển ốp gỗ (Mộc). Trên tựa đầu và gối đệm, hình ngựa cũng thêu thủ công. Nhân vật chủ đạo cũng xuất hiện ở bên ngoài, trên đường kẻ đôi dưới cột A.
DSC-0749-7828-1395909914.jpg
Rolls-Royce Ghost phiên bản "Phi Mã" giá 875.000 USD tại Thái Lan.
Trước đó, nhân dịp năm con Rồng 2012, Rolls-Royce cho ra đời Phantom phiên bản Year of Dragon, nhằm tôn vinh thị trường lớn nhất của hãng là Trung Quốc. Năm 2013, hãng xe Anh kỷ niệm một thập kỷ có mặt tại Singapore với chương trình Bespoke cho mẫu Ghost phiên bản kéo dài.
Ghost Majestic Horse có mặt tại Bangkok Motor Show 2014, xe trang bị động cơ V12 phun xăng trực tiếp, công suất 563 mã lực tại vòng tua máy 5.250 mã lực và mô-men xoắn 780 Nm tại 1.500 vòng/phút. Thời gian tăng tốc từ vị trí xuất phát lên 100 km/h trong 4,9 giây trước khi đạt tốc độ tối đa 250 km/h.
Tại Thái Lan, Rolls-Royce chào bán Ghost phiên bản "Phi Mã" với giá 875.000 USD.
Lương Dũng

Mercedes S65 AMG Coupe sắp ra đời

Chiếc coupe mới mang động cơ 6 lít V12 tăng áp kép cho sức mạnh 630 mã lực sẽ ra mắt vào tháng 7 tới.

Tiếp sau chiếc S63 AMG Coupe 2014 trang bị động cơ 5,5 lít V8 công suất 577 mã lực, hãng xe Đức chuẩn bị trình làng chiếc coupe tiếp theo phát triển dựa trên S65 AMG sedan mạnh mẽ hơn nhiều so với S63 AMG Coupe.
63917291973444988-7872-1395284067.jpg
                                            Mercedes S63 AMG Coupe.
Mercedes S65 AMG Coupe lắp động cơ V12 dung tích 6 lít tăng áp kép giống bản sedan, công suất 630 mã lực tại vòng tua máy giữa 4.800 vòng/phút và 5.400 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 1.000 Nm giữa 2.300 vòng/phút và 4.300 vòng/phút.
Hiệu suất vận hành cũng tương tự như bản sedan với thời gian tăng tốc từ 0-100 km/h sau 4,3 giây, tốc độ tối đa giới hạn điện tử ở 250 km/h. Sức mạnh động cơ truyền tới các bánh thông qua hộp số tự động 7G-Tronic AMG Speedshift Plus, những khách hàng giàu có hơn có thể tùy chọn thêm phanh gốm do AMG phát triển.
Minh Hy

Cuộc đấu trí giữa Putin và ba đời tổng thống Mỹ

Trong suốt 15 năm qua, Tổng thống Vladimir Putin là ẩn số làm đau đầu ba thế hệ tổng thống Mỹ. Họ định xây dựng mối quan hệ với cựu đại tá tình báo KGB theo cách của Washington, nhưng thực tiễn không như mong muốn.

Tổng thống Bill Clinton coi Putin là một người lạnh lùng và đáng ngại, nhưng dự đoán ông sẽ trở thành một lãnh đạo cứng rắn, tài năng. Còn tổng thống George W. Bush muốn làm bạn và đối tác với Putin trong vấn đề chống khủng bố, nhưng cuối cùng vỡ mộng.
Tổng thống Barack Obama nỗ lực cải thiện quan hệ với Điện Kremlin, bằng cách xây dựng quan hệ với các nhà lãnh đạo Nga khác. Chiến lược này từng có tác dụng trong một thời gian, nhưng quan hệ Mỹ-Nga dần xấu đi và đang xuống đáy kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Với các phương thức khác nhau, ba đời tổng thống Mỹ đều nỗ lực xây dựng mối quan hệ mới, có ý nghĩa lịch sử với Nga. Nhưng đến cuối cùng họ đều phát hiện ra rằng những cố gắng đều khó thành trước Putin, một cao thủ võ thuật đồng thời là cựu đại tá tình báo KGB.
Họ hoặc là hình dung Putin thành một con người hoàn toàn khác, hoặc là tự cho rằng có thể điều khiển một con người vốn không bao giờ chịu bị khống chế. Họ quan sát Putin bằng lăng kính của mình, cho rằng ông sẽ tính toán lợi ích của Nga theo giả định của họ. Và cả ba người đều đánh giá thấp sự bất mãn của tổng thống Nga.
1395863895000-AFP-IA06-CLIN-6907-1395904
Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow tháng 4/2000. Ảnh: AFP
Washington hiện nay dường như không còn chút ảo tưởng gì về Putin nữa, đặc biệt sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga dẫn đến hàng loạt quyết định trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Theo nhiều chuyên gia, câu hỏi hiện nay không còn là Mỹ với Nga cần hợp tác như thế nào, mà là hai bên sẽ đối đầu ra sao.
"Ông ấy đã tuyên bố rõ lập trường. Đây là con người mà chúng tôi cần đối phó, không thể hy vọng vấn đề tự biến mất được", New York Times dẫn lời ông Tom Donilon, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama.
Theo nhận định của các trợ lý ba đời tổng thống Mỹ, các ông chủ Nhà Trắng không hề ngây thơ mà không nhận ra được con người thực của Putin, nhưng họ lại cho rằng xây dựng một mối quan hệ tốt hơn nữa là giải pháp duy nhất. Và có lẽ chính những chính sách của phương Tây đã khiến ông chủ Điện Kremlin bất mãn, ví dụ như việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không ngừng mở rộng ra phía đông, chiến tranh Iraq hay chiến tranh Libya.
"Ông ấy đi ngủ với suy nghĩ của Peter Đại đế và thức giấc với tư duy của Stalin. Chúng ta cần phải hiểu rõ ông ấy là ai, muốn gì. Điều này có lẽ sẽ không giống với những gì chúng ta tưởng tượng trong thế kỷ 21", Nghị sĩ Mike Rogers, chủ tịch Ủy ban tình báo của Hạ viện Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài NBC.
Ông Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên đối mặt với Putin, mặc dù thời gian cùng tại nhiệm của hai người không nhiều. Phần lớn thời gian trong hai nhiệm kỳ của Clinton, ông xây dựng được mối quan hệ ổn định với cố tổng thống Boris Yeltsin. Năm 1999, Putin được chỉ định làm thủ tướng và sau đó trở thành tổng thống trong đêm giao thừa sau khi người tiền nhiệm từ chức.
"Tôi ra khỏi cuộc họp và tin rằng Yeltsin đã lựa chọn một người kế nhiệm có năng lực và mẫn cán, có thể ứng phó tốt hơn ông ấy trước tình hình kinh tế, chính trị bất ổn của Nga lúc đó. Hơn nữa, tình hình sức khỏe của Yeltsin thời điểm đó cũng không được tốt", tổng thống Clinton viết trong hồi ký của mình. 
Sau khi Putin chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3/2000, Clinton đã gọi điện chúc mừng. "Sau khi gác máy, tôi nghĩ ông ấy đủ cứng rắn để đoàn kết nước Nga", cựu tổng thống Mỹ viết.
Nhưng Clinton cũng có những lo lắng về sự cứng rắn đó, khi ông chủ mới của Điện Kremlin chỉ huy cuộc chiến chống ly khai ở nước cộng hòa Chechnya. Clinton từng thúc giục Yeltsin chú ý đến người kế nhiệm, và cảm thấy bị gạt sang lề khi Putin dường như thờ ơ trong việc hợp tác với một tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm.
Tuy nhiên, đó là thời điểm Putin tăng tốc quá trình cải tổ hệ thống thuế, đất đai và luật pháp Nga. Theo đánh giá của ông Strobe Talbott, thứ trưởng Ngoại giao thời Clinton, Putin "đủ trẻ, đủ khéo léo và đủ thực tế để hiểu rằng, nước Nga đang diễn ra quá trình dịch chuyển cần thiết mà ông ấy cần phải thúc đẩy nó".
Đức Dương (theo New York Times)

Crimea thử thách quyết tâm giữa Nga và phương Tây

Nga bảo vệ lợi ích chiến lược thông qua sáp nhập Crimea nhưng có thể phải trả giá về kinh tế, trong khi Mỹ và EU cũng mất mát khi phải ra đòn, trong cuộc quyết đấu giành ảnh hưởng hiện nay.
ky-6008-1395147145-7477-139529-4393-9814
Hàng trước, từ trái sang: Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov, Chủ tịch Nghị viện Crimea Vladimir Konstantinov, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thị trưởng Sevastopol Alexei Chaliy trong lễ ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga tại Moscow hôm 18/3. Ảnh: Reuters
Trọng tâm của Hội nghị an ninh hạt nhân vừa qua tại The Hague xoay quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, mà cụ thể là sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga. Tổng thống Mỹ Barack Obama coi hội nghị này là cơ hội để bàn thảo với các nước đồng minh châu Âu về kế hoạch trừng phạt Moscow.
Hội nghị kết thúc với việc Liên minh châu Âu (EU) đồng ý sẽ mở rộng phạm vi trừng phạt Nga; Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ chủ đạo cảnh cáo Moscow đừng nên can thiệp quân sự vào miền đông Ukraine. Nga bị trục xuất khỏi nhóm G8. Trung Quốc tiếp tục giữ thái độ trung lập.
Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng Crimea khiến kết cấu quyền lực quốc tế thời hậu Chiến tranh Lạnh trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, thậm chí còn có thể sẽ thay đổi cục diện chính trị thế giới.
Sau Chiến tranh Lạnh, mâu thuẫn giữa các cường quốc thường diễn ra thông qua cuộc đối đầu giữa các quốc gia được coi là vệ tinh. Nhưng trên vấn đề Crimea, các nước lớn như Nga, Mỹ và EU trực tiếp đối đầu, thử thách sức mạnh tổng hợp và quyết tâm chiến lược của các bên.
Nga chấp nhận trả giá để có Crimea
Năm 2010, Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố việc Liên Xô giải thể là "một thảm họa chính trị". Sự sụp đổ của Liên Xô kết thúc Chiến tranh Lạnh với trật tự hai cực, lãnh thổ và vùng ảnh hưởng của Nga bị thu hẹp nhiều.
Về mặt chiến lược, nhiều nhà phân tích cho rằng, với việc tiếp quản Crimea, Nga có thể sẽ kết thúc kiểu quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh giữa nước này và Mỹ trong 25 năm qua, mà Moscow luôn ở trong thế bị động. Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin từng tuyên bố: "Thế giới đơn cực đã kết thúc. Nước Nga đã nhận về mình trọng trách vô cùng to lớn".
Về mặt địa chính trị, Nga có thể gây sức ép nhằm kiềm chế chính quyền Ukraine thân phương Tây tại Kiev thông qua Crimea. Theo Finacial Times, sau khi tiếp quản Crimea, Hạm đội Biển Đen sẽ được tăng cường sức mạnh và có thêm các căn cứ quân sự vững chắc.
Đối với cá nhân ông Putin, việc sáp nhập Crimea là một chiến thắng chính trị to lớn, với tỷ lệ ủng hộ trong nước tăng cao kỷ lục. "Hình tượng cứng rắn của ông Putin đã một lần nữa được chứng minh, giành được sự ủng hộ rộng rãi hơn từ người dân", Giáo sư Tôn Hưng Kiệt thuộc đại học Cát Lâm, Trung Quốc, nhận định.
Sau sự kiện Crimea, Washington và EU đang lúng túng trong việc đánh giá và dự đoán những bước đi tiếp theo của ông chủ Điện Kremlin.
"Tình hình hiện nay không khác gì nguy cơ hạt nhân Cuba năm 1962, mà những người yếu thế hơn phải khuất phục trước. Putin có vẻ như sẽ không hành động như Nikita Khrushchev", Giáo sư Tôn nói.
Mặc dù vậy, Nga vẫn phải đối mặt với thách thức sau hành động trên. Phương Tây hiện vẫn chưa hoàn toàn thống nhất về mức độ trừng phạt với Nga, nhưng cũng đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế của quốc gia này.
Theo đánh giá của cựu bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin, chỉ tính riêng trong quý một năm nay đã có hơn 70 tỷ USD thoái khỏi thị trường Nga. Một số công ty của Đức dự định chuyển lợi nhuận của chi nhánh ở Nga về công ty mẹ.
Trong ba tuần đầu tháng, Ngân hàng trung ương Nga đã chi 25 tỷ trong hơn 400 tỷ USD dự trữ ngoại hối để ngăn đồng ruble giảm giá so với USD và euro. Giá đồng ruble đã giảm 0,1% so với USD, sau khi ngân hàng Bank Rossiya của Nga trở thành mục tiêu trừng phạt của Mỹ và EU. Nga thậm chí có thể bị tác động mạnh hơn nữa, không phải do các lệnh trừng phạt của phương Tây, mà vì tâm lý nhà đầu tư và hãng đánh giá tín nhiệm bị ảnh hưởng.
Hành động cứng rắn của Moscow có thể đẩy Kiev ngày càng gần vào quỹ đạo của EU, cũng như gia tăng mối lo ngại của các quốc gia cựu thành viên khối Đông Âu. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cựu đến chính sách liên minh Á-Âu của Tổng thống Putin. Liên minh này được nhận định là một đối trọng với EU trong cán cân quyền lực Á - Âu và Ukraine là một mắt xích quan trọng.
Mỹ, EU cân nhắc lợi hại
khi-dot-Nga-EU-9290-1394250595-2805-1396
Khoảng 30% nguồn cung khí đốt của châu Âu là từ Nga. Đồ họa: CNN
Theo Giáo sư Ian Bremmer thuộc đại học New York, Mỹ tự đặt mình vào thế "nói nhiều hơn làm", bởi các tuyên bố của chính phủ Obama về việc trừng phạt Nga vượt ngoài khả năng thực hiện.
Mỹ đã đánh giá thấp tầm quan trọng của Ukraine và Crimea đối với Nga. Đây là lý do tại sao Moscow không lùi bước trước những lời đe dọa từ Washington và các nước đồng minh châu Âu.
"Các nhà lãnh đạo phương Tây cần hiểu rõ rằng Ukraine là một quốc gia đa dân tộc, có vị trí đặc biệt, nằm chắn giữa Nga và khu vực phía đông châu Âu", nhà bình luận Gideon Rachman của tờ Financial Times nhận định.
Ngoài ra, Mỹ và EU cũng không hoàn toàn thống nhất trên vấn đề trừng phạt Nga, bởi sợi dây liên hệ năng lượng và thương mại giữa khối này với Moscow quá chặt chẽ, khiến mọi hành động trừng phạt đều tổn hại lợi ích của các bên.
Giống như Ukraine, châu Âu cũng lệ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga. Theo một quan chức thuộc ngân hàng Commerz của Đức, ít nhất 22% lượng khí đốt của EU đến từ Nga, còn theo CNN con số này có thể lên đến 30%.
EU đã và đang triển khai các kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung khí đốt và phát triển nguồn năng lượng thay thế, nhưng sự lệ thuộc trên vẫn còn rất lớn. 35% lượng khí đốt của Đức là do Gazprom cung cấp. Đây cũng chính là lý do mà Thủ tướng Angela Merkel miễn cưỡng đồng ý trừng phạt Nga, nhưng vẫn cho rằng quyết định trên cần sự nhất trí thông qua của tất các nước thành viên EU.
Mặc dù trình độ nhất thể hóa chính trị của EU rất cao, nhưng 28 quốc gia thành viên đều có những lợi ích và toan tính chiến lược riêng, khiến việc thống nhất thông qua một lệnh trừng phạt trở nên rất khó khăn.
Giới lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện và các doanh nghiệp dầu khí hàng đầu Mỹ đồng loạt hối thúc Tổng thống Obama tăng tốc tiến trình xuất khẩu khí đốt, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của EU vào Nga, từ đó kiềm chế hành động của Moscow trong tương lai.
Nhưng trên thực tế, sách lược này không thể phát huy ngay tác dụng trên cuộc khủng hoảng Crimea hiện nay, bởi các cảng phục vụ việc xuất khẩu khí đốt cần ít nhất một năm nữa mới xây xong. Hơn nữa, khí đốt Mỹ cũng không có khả năng cạnh tranh với Nga trên thị trường châu Âu, bởi giá thành vận chuyển cao, nhà nghiên cứu Michael Levi cho biết.
"Chính phủ Obama nên đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ Ukraine, chứ không phải trừng phạt Nga. Điều này đồng nghĩa với việc lợi dụng sức ảnh hưởng của Mỹ với châu Âu để đảm bảo các bên duy trì lâu dài sự hỗ trợ trên và ngăn cản chính phủ Ukraine mới không có động thái nào quá khích. Để làm được điều này, Mỹ phải công nhận lợi ích sống còn của Nga, thừa nhận sự hạn chế của mình và chấm dứt những lời đe dọa trống rỗng", ông Bremmer bình luận.
Đức Dương