Đào tạo lái xe

Đào tạo lái xe

Cách chống buồn ngủ cho lái xe đường dài

Đã có không ít vụ tai nạn đường bộ kinh hoàng xảy ra khiến nhiều người chết và bị thương mà nguyên nhân do tài xế ngủ gật khi điều khiển phương tiện. Buồn ngủ là nỗi ám ảnh lớn đối với cánh tài xế, đặc biệt là với tài xế chạy xe đường dài mới vào nghề.
Anh Trường, một lái xe nhiều năm kinh nghiệm của Công ty Phương Trang chia sẻ, để không buồn ngủ khi đang lái xe, tốt nhất tài xế phải được ngủ đủ trước khi cầm vô lăng. Điều này tưởng dễ nhưng không phải tài xế nào cũng làm được mà cần có cơ chế tạo điều kiện của các đơn vị chủ quản để tài xế nghỉ ngơi hợp lý.
buon ngu khi lai xe
Buồn ngủ khi lái xe là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn
“Nguy hiểm nhất là tình trạng tài xế lái xe vô thức, tức là mắt thì mở, tay cầm vô lăng, chân đạp ga mà ngủ lúc nào không hay. Tai nạn đối với những trường hợp này là khó tránh khỏi. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do tài xế quá mệt mỏi, thiếu ngủ” – anh Trường cho biết.
Nói thì vậy nhưng nhiều lúc trong quá trình chạy xe, tài xế cũng cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, anh Trường khuyên là nên dừng xe lại để uống ly cà phê, ấm trà. Những lúc nghỉ nên ra khỏi xe, làm vài động tác thể dục, nhất là với cổ và vai. Có người còn chạy lòng vòng quanh xe để tỉnh táo. Chừng khoảng 30 phút khi cà phê ngấm vào người, tỉnh táo rồi tiếp tục hành trình.
Theo anh Trường, các tài xế cần tránh lái xe liên tục vào những thời điểm dễ buồn ngủ như giữa trưa hoặc thời gian từ giữa khuya đến sáng. Khi lái xe đường trường một mình nên vặn to đài, thỉnh thoảng thay đổi chương trình để chống lại cơn buồn ngủ. Một số người còn đưa ra mẹo là bật quạt máy lạnh hướng về phía chân hoặc uống nước thật nhiều trong quá trình lái xe.
Tuy nhiên, lời khuyên tốt nhất của anh Trường đối với cánh tài xế cũng như các doanh nghiệp là làm sao để tài xế được có thời gian nghỉ ngơi trước khi “lên tài”. Trong hành trình cần có các trạm dừng chân để tài xế có thời gian nghỉ. Các trạm này nằm ở khoảng cách thích hợp sao cho tài xế không phải cầm vô lăng liên tục hơn 4 tiếng đồng hồ.
Nguồn: Báo Giao Thông Vận Tải